Tư vấn xin Giấy phép chuyển phát nhanh

Luật Bách Việt tư vấn thủ tục xin giấy phép chuyển phát nhanh cho khách hàng, phối hợp cùng khách hàng hoàn tất các thủ tục hành chính như: Tư vấn nội dung xin cấp phép, Tư vấn thủ tục cấp phép bưu chính, tư vấn soạn hồ sơ... (Xem tiếp)

Giấy phép & Luật Bách Việt

Với bề dày kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự, gồm các luật sư, các chuyên gia tư vấn, các cộng tác viên hiện đã và đang làm việc, hành nghề tại các công ty luật, các VPLS, các Bộ, ngành có liên quan , Luật Bách Việt  tự tin cung cấp các gói dịch vụ tư vấn hoàn thiện hồ sơ, đại diện  Khách hàng thực hiện thủ tục xin cấp phép giấy phép bưu chính, giấy phép viễn thông, giấy phép ICP, giấy phép đầu tư, giấy phép lao động... (Xem tiếp)

Trang chủ » Bưu chính

Lịch sử phát triển của bưu chính - viễn thông

Lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam (BĐVN) trong vòng hơn một thế kỷ nay đã luôn gắn liền với lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc. Các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã luôn trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo... phục vụ cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Trong suốt chặng đường lịch sử dân tộc đầy hy sinh, gian khó và vinh quang đó, ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhân dân luôn coi trọng, giáo dục và xây dựng để từng bước trưởng thành, tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận thành quả đóng góp to lớn đó, Ngành đã được Đảng Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990); Huân chương Sao Vàng (năm 1995); Huân chương Độc lập hạng nhất (1997); Huân chương Lao động hạng nhất về công tác đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 50 ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/1997); Huân chương Chiến công hạng Nhất về công tác Quốc phòng (1999); 45 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và 11 tập thể, 7 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cùng nhiều danh hiệu cao quý khác cho các tập thể và cá nhân của ngành Bưu điện.

          I. Giai đoạn 1930-1954

          Trước năm 1945, BĐVN nằm trong tay thực dân Pháp, hệ thống thông tin bưu điện tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, thị xã, nhiệm vụ chủ yếu phục vụ cho chính sách xâm lược và khai thác thuộc địa, bảo vệ chính quyền thực dân, đồng thời để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Bưu điện thực dân Pháp ở nước ta về bản chất không phải là một xí nghiệp hạch toán kinh doanh với mục đích tài chính đơn thuần mà trước hết là một phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu quản lý nhà nước của bộ máy cai trị thực dân và phục vụ khai thác thuộc địa.

          Thời kỳ 1930-1945, nhận thức rõ vai trò của thông tin liên lạc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, Đảng ta đã trực tiếp thành lập và lãnh đạo đội quân giao thông cách mạng làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công văn, tài liệu, chỉ thị của Đảng tới các cấp ủy và chính quyền địa phương trong cả nước. Các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp bộ Đảng đều có nêu vai trò, nhiệm vụ của công tác thông tin liên lạc. Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn”, mở ra thời kỳ chuyển biến mới về tổ chức và hoạt động giao thông liên lạc của Đảng.

          Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, toàn bộ hệ thống tổ chức Bưu điện của chế độ cũ thuộc về chính quyền cách mạng. Nhiệm vụ của ngành Bưu điện thời kỳ này là phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến và kiến quốc.

          Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954, BĐVN đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng ngành Bưu điện đã tận dụng được mạng thông tin sẵn có và nghiên cứu, xác lập phù hợp với mỗi tình thế, mỗi bối cảnh, đảm bảo thông tin tối ưu phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ cách mạng, vì vậy mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững. Ngày 15/10 /1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Phải củng cố giao thông liên lạc theo một hệ thống bán công khai hay bí mật, đặt địa điểm liên lạc dự bị, đặt giao thông song hành, thay luôn mật mã và giờ làm việc của cáp điện đài quân sự hoá cơ quan mật mã”. Vì vậy ba phương thức thông tin: Điện thoại, Vô tuyến điện, Đường thư được triển khai  triệt để và củng cố vững chắc. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.

          Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước: ở Trung ương có Nha Tổng Giám Đốc, dưới Nha Tổng Giám đốc có 3 Nha Giám đốc ở 3 miền: Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ, Nha Giám đốc Bưu điện Trung Bộ (Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) và Nha Bưu điện miền Nam

          Ngày 02/4/1948, Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 33/ND về tổ chức bộ máy Bưu điện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

          Để tiếp tục hợp lý về mặt tổ chức, ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam. Hệ thống tổ chức của ngành Bưu điện-Vô tuyến điện được chấn chỉnh lại trên tinh thần tinh giản biên chế, gọn nhẹ, hợp lý từng bộ phận, từng khâu quản lý, khai thác, vận chuyển bưu chính, điện chính và vô tuyến điện để phù hợp trong tình hình mới. Ngày 16/8/1951, Nghị định Bộ Giao thông-Công chính số 235/SHNĐ quy định tổ chức Nha Bưu điện - Vô tuyến điện. Ngày 8/11/1951, Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 295/ND về việc tổ chức bộ máy Bưu điện - Vô tuyến điện liên khu, tỉnh và thành phố.


 

          II. Giai đoạn 1954-1975

          Từ năm 1954-1975, đất nước bị chia cắt hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Mỹ - Ngụy. Thời kỳ này, nhiệm vụ của ngành Bưu điện là rất nặng nề: phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phục vụ thông tin cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cămpuchia. Suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ và ác liệt, vượt qua muôn vàn khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Bưu điện Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới thông tin ngày một hiện đại hơn, đáp ứng cho sự chỉ đạo chiến đấu, sản xuất của Đảng và các cấp chính quyền, bảo đảm thông tin được thông suốt, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

          1. Miền Bắc

          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những ngày đầu mới giải phóng, Bưu điện miền Bắc đã thông minh, dũng cảm đấu tranh chống sự phá hoại của địch, tiếp quản và sử dụng tốt các cơ sở Thông tin Bưu điện, hàn gắn các vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển mạng lưới, khai thác các dịch vụ, phục vụ cho việc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời tích cực đấu tranh thực hiện quan hệ thư tín Bắc - Nam. Bưu điện Việt Nam và bộ máy quản lý Ngành tiếp tục phát triển và được chấn chỉnh cho phù hợp từng thời kỳ lịch sử:

          Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, theo Nghị định của Chính phủ số 480/TTg ngày 8/3/1955, Nha Bưu điện-Vô tuyến điện Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Bưu điện, bộ máy hoạt động của Tổng cục Bưu điện được tổ chức theo Nghị định số 124/NĐ-BĐ ngày 14/3/1955 thuộc Bộ Giao thông Bưu điện Việt Nam. Hoạt động của Ngành từ quản lý hành chính sự nghiệp chuyển sang hoạt động có kinh doanh. Hình thức tổ chức Bưu điện là một ngành quản lý và kinh doanh toàn miền Bắc với 5 cấp: Tổng cục, Sở, Ty, Phòng, Trạm.  Sau khi hành chính cấp khu giải thể, Bưu điện không còn cấp Sở nữa. Tháng 9/1955, ngoài việc đảm bảo công tác thông tin, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng cục Bưu điện được giao thêm nhiệm vụ phát hành báo chí.

          Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Bưu điện hoàn thành nhiệm vụ của  mình góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngày 13/5/1961 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ

          Ngày 09/2/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh, phát thanh và sự nghiệp phát triển truyền thanh, phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện.

          Ngày 18/2/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam.

          Để phù hợp với tình hình thực tế, ngày 17/6/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

          Do đặc điểm tình hình, ngày 21/12/ 1967 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 219/TTgCN tách phần phát thanh và truyền thanh ra khỏi Tổng Cục Bưu điện.

           Ngày 21/1/1968 Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.

          Cuối năm 1971, qua phương hướng cải tiến quản lý của Trung ương Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đã xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một ngành kinh tế, kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, có hệ thống dọc từ Trung ương đến các địa phương, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, hạch toán kinh tế toàn Ngành”

          Ngày 5/5/1972, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 93/CP về việc cải tiến tổ chức Bưu điện tại địa phương. Việc thực hiện Quyết định này được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn, có tác dụng quan trọng về tổ chức quản lý kinh tế, mạng lưới Bưu điện khu vực có sự biến đổi cơ bản cả về số lượng và chất lượng, đánh dấu bước ngoặt của Ngành từ công sở hành chính bao cấp sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Quan điểm cơ bản của Quyết định 93/CP là nền tảng cho sự tiếp tục phát triển, nâng cao và hoàn thiện tổ chức quản lý của Ngành.

          2. Miền Nam

          Bưu điện Nam Trung Bộ

          Trải qua 20 năm liên tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, hai ngành Giao bưu và Thông tin Nam Trung Bộ đã trưởng thành nhanh chóng. Sự ra đời của Ban Giao bưu, Ban Thông tin đã đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.

          Từ năm 1965-1968, cùng với sự viện trợ của các nước bạn về nhiều thiết bị phương tiện gồm nhiều chủng loại, trong đó có máy vô tuyến điện, Trung ương chi viện cho miền Nam một khối lượng máy móc khá lớn để tăng cường cơ sở vật chất cho thông tin liên lạc trong toàn miền. Đây là thời kỳ mạng thông tin vô tuyến điện phát triển đều khắp miền Trung.

          Cùng với biện pháp tăng cường máy và kỹ thuật, công tác quản lý liên lạc vô tuyến điện cũng được quan tâm. Sau đợt chấn chỉnh tên máy – quy ước, quy định chế độ, thủ tục liên lạc VTĐ, Ban và Tiểu ban đã có những quy định chặt chẽ để giữ bí mật liên lạc VTĐ góp phần làm tăng tính vững chắc của cả hệ thống liên lạc trong toàn miền.

          Những kỳ tích anh hùng của Thông tin – Giao bưu các tỉnh Nam Trung Bộ đã nối mạch Bắc-Nam, phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

          Đầu năm 1975, Khu ủy khu V chủ trương thành lập Ban Bưu điện khu V để thống nhất hai lực lượng giao bưu và thông tin trong toàn khu.

          Bưu điện Nam Bộ

          Do nét đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Bộ, Bưu điện Nam Bộ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam và bám sát đường lối chống Mỹ cứu nước của Trung ương Đảng đã được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.

          Giao bưu Nam Bộ

          Ngày 02/6/1962, Ban Giao bưu Vận miền Nam được thành lập theo quyết định của Trung ương Cục. Sau đó, ngày 20/6/1962, Trung ương Cục ra Chỉ thị số 19/CTR quy định nhiệm vụ chức năng của ngành Giao bưu Vận miền Nam và tổ chức quản lý Ngành theo hệ thống dọc thống nhất toàn miền.

          Trước tình hình đánh phá ác liệt của địch, để gắn chặt công tác Giao bưu Vận với việc bảo vệ an toàn các hành lang, tháng 6/1966, Trung ương Cục ra Chỉ thị nhập Ban Giao bưu Vận vào Bộ Tư lệnh miền Nam, trở thành phòng Giao bưu Vận trực thuộc Cục tham  mưu.

          Ngày 5/9/1970, Ban Thường vụ Trung ương Cục đã ra Quyết định số 01/QĐ 70  chuyển ngành Giao bưu trở lại hệ Dân Chính Đảng. Ban Giao bưu là Ban chuyên môn của Đảng và trực thuộc các cấp ủy Đảng. Tiếp đó, Trung ương Cục ra Chỉ thị  29/CT 70 về việc kiện toàn ngành Giao bưu, chấn chỉnh tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

          Cuối năm 1973, Ban Giao bưu Trung ương Cục chủ trương thành lập Cục Giao thông Vận tải lấy tên là Đoàn 571 và xúc tiến việc thành lập tổ chức Bưu điện trực thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

          Thông tin vô tuyến điện Nam Bộ

          Từ năm 1960-1964, cục diện kháng chiến toàn miền Nam phát triển mạnh, bộ máy các cấp của Trung ương Cục (R) đã ổn định, có hệ thống tổ chức khá rõ ràng. Ban Thông tin Trung ương Cục không ngừng được mở rộng. Tháng 01/1965, Đại hội Thông tin liên lạc toàn miền Nam lần thứ nhất được tổ chức nhằm thống nhất để đối phó với kỹ thuật điện đài của đối phương, phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy toàn Miền.

          Ngày 30/7/1966, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị 27/C về “Chấn chỉnh tổ chức và lãnh đạo công tác thông tin vô tuyến điện”, góp phần to lớn vào chiến thắng Mậu Thân.

          Sau Đại hội lần 2 năm 1970, Đại hội Thông tin liên lạc toàn Miền lần 3 được tổ chức năm 1972, quyết định sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, chuẩn bị mở rộng việc sử dụng điện thoại hữu tuyến

          Tháng 7/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/QĐ-75 của Thường vụ Trung ương Cục trên cơ sở hợp nhất các lực lượng cán bộ công nhân viên chức Ban Giao bưu Vận, Ban Thông tin miền Nam và cán bộ viên chức của Tổng cục Bưu điện Trung ương vào chi viện.

          Tháng 10/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Bưu điện tỉnh và thành phố trực thuộc, đồng thời ban hành Thông tư số 13/VP để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 14/CT-75 và xây dựng cơ cấu bộ máy, sắp xếp cán bộ, tổ chức mạng lưới thông tin ở tỉnh, thành phố và các huyện, xã.

          Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước: “Thực hiện các nguyên tắc chế độ chung của Ngành về quản lý kinh tế, dựa trên cơ sở thống nhất kế hoạch và hạch toán kinh tế toàn Ngành


 

          III. Giai đoạn 1976 đến nay

          Sau khi hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước tiến vào giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện Việt Nam lại cùng với nhân dân bước vào cuộc chiến đấu mới, đó là cuộc chiến đấu với nghèo nàn, lạc hậu và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam của tổ quốc. Tiếp nối truyền thống vẻ vang trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, ngành Bưu điện đã viết tiếp những trang sử mới, lập thêm nhiều kỳ tích mới trong thời kỳ xây dựng XHCH và góp phần đưa đất nước tiến con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

          Năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã chính thức tham gia 2 tổ chức quốc tế là: Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều nước trên thế giới.

          Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông  trở về một mối, ngày 02/8/1976, Hội nghị thống nhất toàn ngành Bưu điện được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, ngành Bưu điện Việt Nam thống nhất dưới sự chỉ đạo chung vào một đầu mối, một đơn vị kế hoạch với Nhà nước. Ngành là đơn vị trực thuộc Hội đồng Chính phủ vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thông tin liên lạc, vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ các yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

          Ngày 2/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời là một ngành kinh tế-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế”. Hệ thống tổ chức ngành Bưu điện gồm:

          - Tổng cục Bưu điện

          - Bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bưu điện tỉnh)

          - Bưu điện huyện và tương đương

          - Trạm Bưu điện xã và tương đương

          Tổng cục Bưu điện quản lý toàn bộ tài sản, vật tư, lao động, tiền vốn, tổ chức, cán bộ của các Bưu điện tỉnh, các xí nghiệp, các đơn vị sự nghiệp trong Ngành theo chế độ chung của Nhà nước; hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế đối với công tác thông tin Bưu điện, phát hành báo chí trong toàn Ngành, không ngừng cải tiến hệ thống quản lý Bưu điện để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân.

          Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 121-HĐBT ban hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông, xác định: “Mạng lưới bưu chính và viễn thông quốc gia là mạng lưới thông tin liên lạc tập trung thống nhất trong cả nước, do Nhà nước độc quyền tổ chức và giao cho ngành Bưu điện quản lý, khai thác để phục vụ nhu cầu truyền tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế.”

          Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định số 224/NQ-HĐNN giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đảm nhận chức năng quản lý nhà nước đối với ngành Bưu điện.

          Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.

          Sau hai năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới đã xuất hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực bưu chính-viễn thông và sản xuất kinh doanh. Để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ cấu tổ chức, lãnh đạo ngành Bưu điện đã chủ động giải trình phương án tổ chức lại bộ máy quản lý với cơ quan Nhà nước. Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện trong cả nước.

          Ngành Bưu điện là một trong những Ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và là ngành kinh tế đầu tiên được thưởng Huân chương Sao Vàng. Để có được thành tựu đó, toàn Ngành đã thực hiện các giải pháp để phát triển Ngành. Thứ nhất, Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, bỏ qua công nghệ trung gian; xây dựng mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Thứ hai, mềm dẻo và khôn khéo trong quan hệ quốc tế để phá vỡ sự bao vây cấm vận, lựa chọn đa dạng hóa các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ, phục vụ xây dựng mạng lưới và đào tạo nguồn nhân lực; Thứ ba, Xây dựng và xin phép Nhà nước được áp dụng cơ chế tự vay tự trả có sự bảo trợ của Nhà nước; tranh thủ sự hợp tác sản xuất của các đối tác trong nước, xây dựng cơ chế phát huy nguồn nội lực trong Ngành để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển Ngành; Thứ tư, xây dựng và thực hiện chính sách về tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên chức đủ trình độ năng lực, tạo thêm việc làm và từng bước nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên trong Ngành.

          Mạng lưới và công nghệ bưu chính - viễn thông có những thay đổi căn bản và quan trọng. Điều đó đòi hỏi công tác quản lý, cơ chế và tổ chức cũng phải có những chuyển biến phù hợp. Công tác quản lý Nhà nước từng bước tách ra khỏi công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh. Ngày 7/5/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/TTg chuyển Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước.

          Năm 1993-2000, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc và chuyển sang Chiến lược Hội nhập và Phát triển.

          Các giai đoạn từ 1994-1998, 1998-2002 và 2002 đến nay, là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Từ 1999 đến nay là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), đang vận động tái cử nhiệm kỳ 2 tại Đại hội lần thứ 23 (15/9-5/10/2004).

          Năm 1995, khởi động cạnh tranh với việc thành lập Công ty cổ phần dịch vụ BCVT Sài Gòn  và Công ty Viễn thông Quân Đội.

          Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trực thuộc Chính phủ trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các đơn vị dịch vụ, sản xuất lưu thông, sự nghiệp về Bưu chính- Viễn thông thuộc Tổng cục Bưu điện.

          Ngày 11/3/1996, Chính phủ ra Nghị định số 12/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.

          Ngày 11/11/2002, Chính phủ ra Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

          Năm 2003, ngành Bưu chính, Viễn thông thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ. Có  tổng số 6 công ty hạ tầng mạng được thiết lập mạng lưới và cung cấp dịch vụ: Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Viễn thông Điện lực (VP Telecom), Công ty cổ phần dịch vụ BCVT Sài Gòn (SPT), Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) và Công ty Thông tin điện tử Hàng Hải (Vishipel). Trong đó, VNPT, Viettel và VP Telecom được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cố định quốc tế. Có 5 công ty được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động gồm: VMS, Vinaphone, Viettel, SPT và Hanoi  Telecom.

(Trích Lịch sử Bưu điện Việt Nam)

--------------

 

Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của Quý khách hàng, mọi vướng mắc về vấn đề pháp lý của Quý vị, xin hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hướng dẫn miễn phí.

Trân trọng!

 BACHVIET - CONSUTANTS, LAWYERS

No.806 - N2B - Trung hoa Nhan Chinh - Cau Giay - Ha Noi

Tel: (04)6.680.61.66 - (04).3.556.04.47 - Fax: 04.35560447

Hotline: 0903.49.86.95 – 0913.82.69.15

Email: luatsu@luatbachviet.vn 

Website: www.luatbachviet.vn - www.giayphepbuuchinh.vn - www.xincapsodo.vn

Tin liên quan