Tư vấn xin Giấy phép chuyển phát nhanh

Luật Bách Việt tư vấn thủ tục xin giấy phép chuyển phát nhanh cho khách hàng, phối hợp cùng khách hàng hoàn tất các thủ tục hành chính như: Tư vấn nội dung xin cấp phép, Tư vấn thủ tục cấp phép bưu chính, tư vấn soạn hồ sơ... (Xem tiếp)

Giấy phép & Luật Bách Việt

Với bề dày kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự, gồm các luật sư, các chuyên gia tư vấn, các cộng tác viên hiện đã và đang làm việc, hành nghề tại các công ty luật, các VPLS, các Bộ, ngành có liên quan , Luật Bách Việt  tự tin cung cấp các gói dịch vụ tư vấn hoàn thiện hồ sơ, đại diện  Khách hàng thực hiện thủ tục xin cấp phép giấy phép bưu chính, giấy phép viễn thông, giấy phép ICP, giấy phép đầu tư, giấy phép lao động... (Xem tiếp)

Trang chủ » Bưu chính

Điều kiện tài chính khi xin cấp phép bưu chính

Vốn tối thiểu 2 tỷ đồng mới được cấp phép bưu chính
 
 
 Các DN đăng ký kinh doanh dịch vụ bưu chính nội tỉnh và liên tỉnh phải có mức vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng và 5 tỷ đồng với DN muốn có giấy phép cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế.
 
 
Ngày 17/6/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính về đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, tem bưu chính, bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
 
 
 Việc ban hành nghị định này là một bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý về bưu chính, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ bưu chính cho mọi người dân, tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính. Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho thời điểm thị trường bưu chính Việt Nam mở cửa mạnh mẽ hơn, cho phép sự tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vào đầu năm 2012, theo cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 
Cụ thể, về đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, theo Nghị định mới ban hành, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính thẩm tra. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn dưới 15 tỷ đồng phải được thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn từ 15 tỷ đồng trở lên phải được thẩm tra trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của Sở TT&TT đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính trên phạm vi nội tỉnh hoặc Bộ TT&TT đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế.
Nghị định này cũng quy định, khi chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư hoặc có các điều chỉnh khác đối với dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính để xem xét việc sửa đổi, bổ sung, cấp lại hoặc thu hồi giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật về bưu chính. Việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư không bao gồm việc chuyển nhượng giấy phép bưu chính, trừ trường hợp gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ DN.

Điều 5 Chương III của Nghị định 47/2011/NĐ-CP còn quy định cụ thể điều kiện về khả năng tài chính để doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Cụ thể, đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, DN phải có mức vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng. Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, DN phải có mức vốn tối thiểu là 5 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu nêu trên phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của DN.

Cùng với việc quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, Nghị định 47/2011/NĐ-CP cũng quy định cụ thể thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Theo đó, Sở TT&TT có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi nội tỉnh; thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế thuộc về Bộ TT&TT.

Theo Luật Bưu chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, DN cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kilôgam (kg) phải có giấy phép kinh doanh bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp. Các hoạt động bưu chính phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính xác nhận thông báo hoạt động bằng văn bản bao gồm: cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg; cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 2 kg; cung ứng dịch vụ gói, kiện; làm đại lý cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam; làm đại diện cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; làm chi nhánh, văn phòng đại diện của DN cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam; làm văn phòng đại diện của DN cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

Nghị định 47/2011/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, DN đã được cấp giấy phép bưu chính trước khi Nghị định này có hiệu lực phải đảm bảo số vốn theo quy định tại Điều 5 của Nghị định.

Cũng trong thời hạn nêu trên, các hoạt động bưu chính gồm: nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam, làm đại diện cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài, làm văn phòng đại diện cho DN cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài đang thực hiện tại Việt Nam trước khi Nghị định này có hiệu lực phải làm thủ tục thông báo hoạt động bưu chính theo quy định của Luật Bưu chính và Nghị định này.

DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển phát hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực chuyển phát trước khi Nghị định 47/2011/NĐ-CP có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi giấy chứng nhận hết hạn, bị thu hồi, hủy bỏ hoặc thay thế bằng văn bản khác.

ICTnews